Hội Gióng là lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo Nguyễn Văn Huyên, "việc tổ chức Hội Gióng như ngày nay mới bắt đầu từ khoảng thế kỷ 11, đời Lý Thái Tổ." Lý Công Uẩn trước khi sáng lập ra Triều Lý sống ở chùa Kiến Sở, gần đền Phù Đổng và thường đến đây dâng hương cầu xin Thần cho biết vận mệnh đất nước. Sau khi lên ngôi,vua Lý Thái Tổ đã ra lệnh tôn tạo, mở rộng đền Phù Đổng và quy định thể thức tổ chức lễ hội.
Hội Gióng ở Sóc Sơn và Hội Gióng ở xã Phù Đổng có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng, hay nói theo Jan Asman, từ Ký ức huyền thoại đến Ký ức lễ nghi. Những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam. Ở phương diện này, có thể coi Hội Gióng như hình thức ký ức văn hóa đầu tiên.
Ngựa gỗ tượng trưng cho ngựa sắt của Thánh Gióng năm xưa
Đây là cơ hội để người tham dự được chứng kiến một hệ thống lễ thức với các thao tác thuần thục, uy nghi, mang tính nghệ thuật và biểu tượng cao nhằm tái hiện mối quan hệ nhiều chiều giữa làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo, giữa thiêng liêng và trần tục. Trong bài viết này dành mối quan tâm và phân tích Hội Gióng Phù Đổng.
Rước ngựa trong Lễ hội Gióng
Hội Gióng Phù Đổng chính thống được tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 Âm lịch tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương”. Để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian, Hội Gióng Phù Đổng có dàn vai diễn hết sức phong phú và độc đáo. Đó là các ông “Hiệu”, hệ thống tướng lĩnh của ông Gióng: “Phù Giá”, đội quân chính quy; các “Cô Tướng”, tượng trưng các đạo quân xâm lược; phường “Ải Lao”, trong đó có “Ông Hổ“, đội quân tổng hợp; “làng áo đỏ”, đội quân trinh sát nhỏ tuổi; “làng áo đen”, đội dân binh v.v… Hội Gióng như một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn. Cũng như các đạo cụ, y phục, mỗi chương mục, mỗi vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc. “Rước khám đường” là “trinh sát giặc”; “rước nước” là để tôi luyện khí giới trước khi xuất quân; “rước Đống Đàm” là đi đàm phán kêu gọi hoà bình; “rước trận Soi Bia” là mô phỏng cách điệu trận đánh ác liệt. Lại như lá cờ phướn màu đỏ mà trên đó viết chữ “Lệnh” tôn nghiêm cùng với các động tác múa cờ Lệnh của ông Hiệu Cờ (vai diễn tượng trưng ông Gióng) là biểu đạt một số quan điểm cơ bản của phép luyện quân cùng phương pháp tác chiến để giành thắng lợi. “Binh pháp phải mưu lược sáng tạo” (múa cờ thuận và múa cờ nghịch). Còn như “Phù giá ngoại“ (đội hình có tới 120 người) là những vai diễn đóng khố, cởi trần, đầu đội mũ có hình quả dưa, trên có đính 9 con rồng nhỏ tượng trưng cho Đất, vai đeo một túi “bán nguyệt” có hình nửa vầng trăng tượng trưng cho Trời, tay cầm chiếc quạt giấy màu nâu khắc cụp, khắc xòe theo khẩu lệnh của các ông “Xướng” và “Xuất” tượng trưng cho loại vũ khí có sức biến ảo khôn lường. Tất cả hoà quện trong vai diễn Phù giá làm nổi rõ sức mạnh vô địch khi người chiến binh được thấm nhuần hào khí thiêng của đất trời quê hương. Trong lễ hội có 28 cô gái trẻ đóng vai tướng giặc, tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược nhà Ân.
Hội Gióng là nghi thức thờ cúng anh hùng dân tộc, đồng thời là cuộc tổng diễn xướng anh hùng ca Thánh Gióng trên quy mô rộng lớn. Hội Gióng là bước phát triển phong phú của anh hùng ca dân tộc. Một lần nữa, huyền thoại này đã làm sống lại chủ đề và hình tượng người anh hùng tập thể của bộ lạc thông qua những yếu tố cổ nhất, hồn nhiên nhất.
Như là một ký ức văn hóa phong phú và đa dạng, Lễ hội Thánh Gióng là sự chuyển hoá và tổng hợp từ ký ức huyền thoại ký ức tín ngưỡng ký ức không gian ký ức văn bản ký ức lễ nghi. Có thể nói, Lễ hội Thánh Gióng đã biểu tượng hóa, diễn xướng hóa và vừa mã hóa, vừa giải mã huyền thoại Thánh Gióng để truyền đạt về một ý niệm văn hóa của dân tộc ta, đó là chủ nghĩa anh hùng yêu nước và đưa nó tái hòa nhập vào ký ức cộng đồng. Bởi vậy, nó là một giá trị văn hóa có tầm vóc đặc biệt.
(-ST-)