Quy hoạch chi tiết CVLS - VHDT

Lịch sử - Văn hóa

Hiển thị thư viện video

The player will show in this paragraph

Liên kết website

Số lượt truy cập
09282127
kiến thức lịch sử - văn hóa - xã hội
Hai Bà Trưng


(Xuất xứ: Khâm Định Việt Sử
http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/kdvstgcm/)

Năm Canh Tí (40 s.c.ng.). (Hán, năm Kiến Vũ thứ 16).

Tháng 2, mùa xuân. Người con gái quận Giao Chỉ là Trưng Trắc khởi binh đánh đuổi thái thú Tô Định; tự lập làm vua.

Vương vốn họ Lạc, lại có một tên họ nữa là Trưng. Là con gái quan lạc tướng huyện Mi Linh, quận Giao Chỉ, và là vợ Thi Sách79 người huyện Chu Diên, bà là người rất hùng dũng. Lúc bấy giờ thái thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo, giết mất chồng bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lỵ. Tô Định phải chạy về Nam Hải. Quân Bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các dân tộc man, lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mi Linh. Các thứ sử, thái thú ở quận Giao Chỉ đều chỉ bảo toàn được mình thôi.

Lời chua - Huyện Chu Diên: Đặt từ đời Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Đường đổi làm Diên Châu; nhà Lê đổi làm phủ Tam Đái. Bây giờ là đất phủ Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây80 .

Năm Tân Sửu (41 s.c.ng.). (Hán, năm Kiến Vũ thứ 17).

Tháng 12, mùa đông. Nhà Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm Phó tướng, đốc xuất bọn Lâu Thuyền Tướng quân là Đoàn Chí, sang đánh Trưng Vương.

Nhà Hán cho rằng Trưng thị tự xưng làm vua, đem quân đánh các thành ấp, làm cho các nơi biên giới bị khổ sở, bèn bắt các đất Trường Sa, Hợp Phố và Giao Chỉ sắm sửa đủ xe, thuyền, sửa sang cầu đường, khơi thông các khe suối, chứa sẵn lương thóc; phong Mã Viện làm Phục ba Tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm Phó tướng, đốc xuất bọn Lâu thuyền Tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng Vương.

Năm Nhâm Dần (42 s.c.ng.). (Hán, năm Kiến Vũ thứ 18).

Tháng 3 mùa xuân. Quân Mã Viện đến Lãng Bạc, cùng quân Trưng Trắc đánh nhau và phá tan được. Trưng Trắc lui giữ đất Cấm Khê.

Mã Viện ven theo đường biển tiến quân, qua núi đốn cây, đi hơn nghìn dặm đến Lãng Bạc, đánh nhau với quân Trưng vương. Trưng vương thấy thế quân bên Hán mạnh nhiều, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không thể chống lại được. Quân của bà cũng cho rằng bà là đàn bà, không địch nỗi với Hán; vì thế quân bà tự tan vỡ.

Lời chua - Lãng bạc: Còn có tên là Dâm Đàm, ở về phía Tây con đường mặt Tây thành Đại La. Về đời Lê, đổi gọi là Tây Hồ tức là Hồ Tây tỉnh Hà Nội ngày nay.

Cấm Khê: Sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chua rằng: Theo sách Việt chí , Cấm Khê là Kim Khê, ở phía Tây Nam huyện Mi Linh. Theo sách Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn, Trưng Trắc chạy vào trong hang Kim Khê, hai năm mới bắt được. Theo sách Phù Nam Ký của Trúc Chi, trên chỗ khe núi nước chảy xói vào gọi là hang. Chương hoài thái tử Lý Hiền chua rằng tức là đất huyện Tân Xương, thuộc Phong Châu bây giờ. Theo thế, thì Cấm Khê phải ở vào địa hạt Vĩnh Tường tỉnh Sơn Tây, nhưng chưa rõ đích là nơi nào. Sử cũ cho là ở huyện Chân Lộc thuộc Nghệ An là nhầm.

Năm Quý Mão (43 s.c.ng.). (Hán, năm Kiến Vũ thứ 19). Tháng Giêng, mùa xuân. Trưng Trắc cùng em gái là Nhị cự chiến với quân án. Hai bà bị thua và mất.

Trưng vương cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán, quân vỡ, thế cô, đều bị thất trận chết. Mã Viện đuổi đánh tàn quân của hai bà là bọn Đô Dương (chữ "Dương" trong Hán thư chép chữ là dê), đến huyện Cư Phong thì hàng phục được họ. Mã Viện lập cột đồng để ghi địa giới tận cùng của nhà Hán. Khi Mã Viện về rồi, người trong nước thương nhớ Trưng vương, lập đền thờ bà.

Lời phê - Hai bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng cũng mặt dày thẹn chết lắm dư! Lời chua - Cư Phong ______: Còn có tự dạng là Cư Phong _____. Tên đất, do Hán đặt ra, thuộc quận Cửu Chân. Đời Tam Quốc, nước Ngô 222-280 đổi làm huyện Di Phong. Từ sau đời Tống (420-479), đời Tề (479-502), đây là lỵ sở của quận Cửu Chân. Nhà Tùy (581-619), bình được triều Trần81 , bỏ quận Cửu Chân, lấy huyện ấy cho thuộc Ai Châu. Đầu đời Đường (618-907), đất ấy lệ thuộc Nam Lục Châu. Đầu niên hiệu Thiên Bảo (742-755) bỏ tên đất ấy, cho vào huyện Nhật Nam. Theo sách Giao Châu ký của Tăng Cổn, ở huyện Cư Phong có núi, cứ đến đêm thường thấy trâu vàng hiện ra. Lại nói trên núi ấy có hang gió, cửa hang thường có gió thổi. Bây giờ ở về địa hạt tỉnh Thanh Hóa. Sử cũ chép là ở địa giới châu Vũ Ninh thuộc Bắc Giang là lầm.

Cột đồng: Sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chép rằng: Mã Văn Uyên (Mã Viện, tên tự là Văn Uyên), dựng cái mốc đồng để làm giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung Quốc. Mốc đồng ấy tức là cột đồng. Theo Tùy sử , Lưu Phương khi đi đánh Lâm Ấp, qua cột đồng của Mã Viện, đi về phía naam tám ngày thì đến quốc đô Lâm Ấp. Trong khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806-820) đời Đường, An Nam đô hộ là Mã Tổng lại lập hai cột đồng ở chỗ Mã Viện dựng cột đồng trước, để tỏ ra mình là dòng dõi con cháu Phục Ba82 . Theo sách Thông điển của Đỗ Hữu, từ nước Lâm Ấp đi về phía nam, đi thủy, đi bộ hơn hai nghìn dặm đến đấy có nước Tây Đồ Di là chỗ Mã Viện dựng hai cột đồng để nêu địa giới đấy. Theo Tân Đường thư , ở châu Bôn Đà Lãng của Lâm Ấp, phía Nam là năm bãi lớn, có núi "cột đồng" (đồng trụ sơn), hình núi như cái lọng dựng nghiêng, về phía Tây có nhiều núi đá, phía Đông là biển lớn. Cột đồng đó là do Mã Viện

dựng lên83 . Theo sách Thái bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử đời Tống, Mã Viện đi đánh Lâm Ấp, đi từ Nhật Nam hơn 400 dặm đến Lâm Ấp, lại đi hơn 20 dặm nữa có nước Tây Đồ Di. Viện đến nước ấy rồi lập hai cái cột đồng ở nơi phân giới giữa Tượng Lâm và Tây Đồ Di. Về đường thủy, đi từ Nam Hải hơn 3000 dặm đến Lâm Ấp, rồi đến cột đồng ở Giao Châu phải 5000 dặm nữa. Sách Nhất Thống chí nhà Đại Thanh có chép: Tương truyền (cột đồng) ở về động Cổ Sâm châu Khâm, Mã Viện có thề rằng: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt", nghĩa là "Cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt", nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao. Đó vì sợ cột đồng ấy bị đổ gẫy.

Nay xét dã sử thấy có chép tỉnh Phú Yên có sông Đà Diễn. Phía Nam sông ấy có bãi lớn. Phía Tây Nam bãi ấy có núi Thạch Bi. Núi này chu vi tới mười dặm; phía Tây tiếp Đại Lĩnh, nhiều rặng trùng điệp, phía đông ra mãi bờ biển. Trên đỉnh núi ấy có một phiến đá trơ trọi cao hình như bị chẻ dọc. Thao lời ghi chép trong các sách Thông điển, Đường thư , ngờ rằng cột đồng có thể ở chỗ ấy. Chỉ có một điều, một phiến đá trơ trọi ở trên đỉnh núi ấy, cao chừng 10 trượng, rộng tới 6,7 trượng. Nhân dân ở quanh núi ấy nói rằng phiến đá ở trên đỉnh núi là một chỏm đá tự nhiên, không phải của ai lập thành cả. Vậy e rằng ta không thể bảo đấy là cột đồng. Sách Thủy kinh chú có nói: núi sông biến đổi, cột đồng bị lở mất vào trong biển. Lẽ ấy có lẽ đúng.

Đền Trưng vương: Ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ84 ngày nay.

Mã Viện nhà Hán đắp thành Kiển Giang.

Vì thấy huyện Tây Vu có đến ba vạn ba nghìn hộ, Mã Viện xin chia ra làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải. Vua Hán y cho Mã Viện lại lập thành quách, đặt tỉnh ấp (xóm làng), đắp thành Kiển Giang ở Phong Khê. Thành này hình tròn như cái tổ kén, nên gọi là thành Kiển Giang. Ba năm sau, Mã Viện về nước. Từ đấy về sau, trải qua các đời Minh đế (58-75 s.c.ng.), Chương đế (76-88), Hoa đế (89-105), Thương đế (106), An đế (107-125) gồm 5 đời vua, cộng tám mươi hai năm, mà chỉ thấy về đời Minh đế có Lý Thiện, người huyện Nam Dương, làm thái thú Nhật Nam có lòng yêu dân, làm chính sự có ơn huệ với dân, hấp dẫn được người phương xa. Về sau, Lý Thiện đổi đi làm thái thú Cửu Giang. Các quan lại có tài giỏi của mấy đời vua Hán chỉ thấy nói có một Lý Thiện. Đó có lẽ là những thiếu sót của việc ghi chép sử sách vậy.

Lời chua - Thành Kiển Giang: Theo Đại Thanh

67 Chỉ nước Nam Việt nhà Triệu.

68 Riêng chỉ địa bàn Quảng Đông lúc bấy giờ.

69 Riêng chỉ địa bàn Quảng Đông lúc bấy giờ.

70 Nguyên văn là "Âu, Lạc giai hàng".

71 Lịch Đạo Nguyên, tên tự là Thiện Trưởng, người đất Phạm Dương đời Bắc Ngụy, làm ngự sử trung úy, có soạn Thủy kinh chú 40 quyển. Sách này rất được giới văn học quý trọng.

72 Vì Sử Cương mục dẫn theo một bản Thủy kinh chú khác (Phường bản), nên có vài điểm dị đồng như: Giao Châu ngoại vực ký chép là Giao Chỉ thành ký . Câu "cập nhị quận dân hộ khẩu bạ nghệ Lộ tướng quân..." chép là "cập nhị quận dân hộ bạ hàng Lộ tướng quân..." và trên chỗ "chư Lạc tướng" không có chữ "chủ"... Vậy nay, để tiện tham khảo, xin theo một thiện bản khác mà dịch lại cả đoạn văn Thủy kinh chú ấy như thế này: "Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (111 tr.c.ng.) đời Hán Vũ đế, lập lỵ sở cho chức đô úy (ở huyện Mi Linh). Sách Giao Châu ngoại vực ký chép rằng: [Nam] Việt vương sai hai sứ giả coi quản nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Về sau, nhà Hán sai phục ba tướng quân Lộ Bác Đức đánh [Nam] Việt vương Lộ Bác Đức đến Hợp Phố, [Nam] Việt vương sai hai sứ giả đưa đến Lộ tướng quân trăm con trâu, nghìn chung rượu và sổ hộ khẩu của dân hai

73 Xem chú thích 3, 4 trang trước.

74 Đây theo Cương mục chua âm là "Liên thụ" (c.2, t.5). Nhưng ở Phương Đình địa chí quyển 1 tờ 11b có cho biết rằng: Nguyên ở Hán chí âm là La Lũ; đến đời Nam Tề vì viết lầm, nên người sau mới lầm là Liên và đọc là thụ .

75 Ở đây chắc là có sự nhầm lẫn. Thứ sử là chức quan đứng đầu một châu (bộ). Nhà Hán bắt đầu đặt từ năm Nguyên Phong thứ 5 (106 tr.c.ng.). Năm Tân Mùi, Nguyên Phong thứ 1 (110 tr.c.ng.). Thạch Đái không thể làm thứ sử Giao Chỉ được.

76 Mục là chăn dắt . Quan mục Giao Chỉ tức là người chăn dắt dân ở quận Giao Chỉ. Ở đây chỉ chức quan đứng đầu một quận, tức Thái thú.

77 Chữ "Nhâm" họ của Nhâm Diên chép ở đây, cũng như họ của Nhâm Hiêu chép ở quyển I, âm là nhâm như ta thường đọc, nhưng về tự dạng, thì sử Trung Quốc và Đại Việt sử ký của ta đều chép nhân bên nhâm Đại Việt sử ký toàn thư thì bớt nét sổ chữ nhâm đi, còn sách Cương mục này thì bớt chữ nhâm đi mà chỉ chép nhâm ___, vì sử thần triều Nguyễn kiêng tên húy Tự Đức.

78 Chức quan đứng đầu một quận do nhà Hán đặt ra từ năm Nguyên Phong thứ 5 (106 tr.c.ng.).

79 Trong Thủy kinh chú quyển 37, tờ 62 chép chồng bà Trưng tên là Thi: "... Chu Diên lạc tướng tử danh Thi, sách Mi Linh lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê...": Con Lạc tướng ở Chu Diên, tên là Thi, hỏi lấy (sách) con gái lạc tướng ở Mi Linh, tên là Trưng Trắc, làm vợ.

80 Nay là tỉnh Vĩnh Phúc.

81 Trần (557-589) là một triều đại thuộc Nam triều (Trung Quốc) bị Tùy diệt năm 589.

82 Chỉ Mã Viện, vì khi sống, Viện được phong làm Phục Ba tướng quân.

83 Xem thêm Phương đình địa chí loại , quyển 2, tờ 34-36, chỗ khảo về "thuyết đồng trụ".

84 Thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.

85 Đời cổ, Trung Quốc chia thiên hạ làm chín châu, tên các châu mỗi đời có hơi khác nhau, như: Ký, Duyện, Thanh, Từ, Úng, Dự, Lương, Kinh, Dương, là chế độ nhà Hạ; Ký, Duyện, U, Tứ, Ứng, Dự, Dinh, Kinh, Dương, là chế độ nhà Ân; Ký, Duyện, Thanh, U, Úng, Dự, Tinh, Kinh, Dương, là chế độ nhà Chu. Tóm lại, chín châu là khu vực trung nguyên của Trung Quốc.

86 Đời cổ những đất Giang, Chiết, Mân, Việt là chủng tộc người Việt ở, nên gọi chung là Bách Việt. Như U Việt ở Chiết Giang; Mân Việt ở Phúc Kiến; Dương Việt ở Giang Tây; Nam Việt ở Quảng Đông; Lạc Việt ở Việt Nam; v.v...

87 Tên một chức quan to đời cổ, đứng đầu các chư hầu trong một phương.

88 Đơn vị đong lường xưa của Trung Quốc. Mỗi thạch ăn 10 354 688 công thăng (lít).

88 Chức quan đứng đầu Ngự sử đài.

89 Chỉ bốn châu Kinh, Dương, Duyện, Dự nói trên.

90 Chỉ Trung Quốc.

91 Ý nói xét tài năng mà bổ dụng, chứ không phân biệt người Bắc người Nam.

92 Bức công văn có đóng ấn để làm tin.


CÁC TIN BÀI KHÁC:
Hiển thị kết quả từ 1 - 5 trong 9 kết quả tìm kiếm.
Số tin trên 1 trang
Trang của 2

Xem tin theo ngày

Ngày

các địa chỉ văn hóa