Giới thiệu chung

Quy hoạch chi tiết CVLS - VHDT

Lịch sử - Văn hóa

Hiển thị thư viện video

The player will show in this paragraph

Liên kết website

Số lượt truy cập
09332792
MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC

Mục tiêu xây dựng Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (giai đoạn từ 1997 đến năm 2030) (26/1/2015 8:18)


 

 

I. Giới thiệu bao quát về quá trình hình thành phát triển:

Với truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đặc biệt là của những người con phương Nam đất Việt. Năm1992, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một công trình lịch sử - văn hóa, nhằm tái hiện những cột mốc lịch sử - văn hóa của dân tộc làm điểm tựa cho công tác giáo dục lý tưởng, phát huy truyền thống dân tộc trong thế hệ trẻ và tạo điều kiện giới thiệu giao lưu văn hóa Việt Nam với nước ngoài. Được sự chấp thuận của Chính phủ, ngày 16 tháng 8 năm 1993, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1229/QĐ-UB-NC về thành lập Ban Nghiên cứu, Xây dựng và Quản lý quần thể công trình Lịch sử - Văn hóa dân tộc.

Trải qua nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, nhiều đoàn đi khảo sát thực địa, nhiều cuộc họp nghiên cứu, thẩm định đồ án quy hoạch thiết kế và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định, ngày 8 tháng 5 năm 1997 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/TTg chính thức phê duyệt Dự án tiền khả thi Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc và giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định cơ quan tổ chức quản lý thích hợp giúp thành phố tổ chức quản lý, chỉ đạo thực hiện dự án, thực hiện công tác bồi thường thu hồi đất và công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các dự án khả thi chi tiết trong từng khu chức năng, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc.

Theo Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Công viên Lịch sử- Văn hóa dân tộc có tổng diện tích đất xây dựng 403,333ha, gồm 376,391 ha thuộc phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh và 26,941 ha thuộc xã Bình An,huyện Thuận An (nay là phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An), tỉnh Bình Dương với các mục tiêu xây dựng là:

   + Làm điểm tựa giáo dục lịch sử truyền thốngdân tộc cho nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ (ở trong nước và đồng bào nước ngoài về thăm quê hương), góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắcdân tộc.

   + Tạo điều kiện giao lưu văn hóa trong nước và giới thiệu về văn hóa Việt Nam với nước ngoài; tăng cường tính phong phú đa dạng trong đời sống tinh thần của nhân dân thành phố.

   + Tạo nên một cảnh quan thiên nhiên thoáng rộng, góp phần cân bằng sinh thái cho môi trường của thành phố; một mặt giới thiệu có chọn lọc những sự kiện lịch sử và công trình văn hóa tiêu biểu của dân tộcViệt Nam; mặt khác, xây dựng một khu làng văn hóa dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tại đây diễn ra các hoạt động văn hóa nhằm giới thiệu những lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán, những trò chơi dân tộc thích hợp với mọi lứa tuổi.

Qua việc tái hiện và giới thiệu lịch sử - văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa trong nước và ngoài nước; đồng thời, mang lại những hiệu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội cho thành phố và khu vực. Quy hoạch xây dựng gồm 4 phân khu chức năng như sau:

+ Khu cổ đại (Khu I) với diện tích gồm 84,15 ha.

+ Khu Trung đại (khu II) với diện tích gồm 29,19 ha.

+ Khu Cận hiện đại (Khu III) với diện tích gồm 35,92 ha.

+ Khu sinh hoạt văn hóa (Khu IV) với diện tích gồm 245,74 ha, bao gồm Cù Lao Bà Sang (39,74 ha)

Với quy hoạch thành 4 khu vực nhằm xây dựng các công trình giới thiệu những sự kiện lịch sử và những công trình văn hóa tiêu biểu của dân tộc từ thời các vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời xây dựng các công trình sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí và cảnh quan. Kèm theo việc xây dựng mỗi khu vực là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và các công trình có quy mô thích hợp.

Từ năm 1993 đến 1997 là giai đoạn chuẩn bị như thành lập các bộ phận chuyên trách, nghiên cứu, hội thảo khoa học tìm ý, tìm nội dung, hình thức thể hiện, giải quyết các thủ tục cần thiết... kết quả của giai đoạn này là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/TTg ngày 08/5/1997 chính thức phê duyệt Dự án Tiền khả thi Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc tại thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn từ 1997 đến 2002 là thời gian Công ty đã nỗ lực phấn đấu vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Lúc bấy giờ, dự án được Thủ tướng phê duyệt còn là những quyết định hành chánh. Quy mô sử dụng đất đến 408 ha nhưng 90% diện tích còn thuộc quyền sử dụng của dân, lại trải rộng trên địa bàn của 2 địa phương. Được quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, quận 9 và huyện Dĩ An nhiệt tình hỗ trợ, Công ty đã khởi đầu bằng việc thực hiện các thủ tục xin giao đất và tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương của Nhà nước; mạnh dạn vay vốn để xúc tiến công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như các tuyến đường giao thông bao quanh ranh quy hoạch Công viên, xây lắp điện phục vụ thi công và trồng cây xanh tạo cảnh quan trên diện tích đất công được giao. Trong giai đoạn này, cột mốc đánh dấu sự ra đời chính thức của Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc tại thành phố Hồ Chí Minh là Lễ Khởi công xây dựng Công viên được Lãnh đạo thành phố tổ chức vào ngày 20/12/1998 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với ý nghĩa là công trình tiếp nối hoạt động Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 2002 đến năm 2007, là giai đoạn Công ty triển khai cùng lúc các công tác đầu tư xây dựng Khu Tưởng niệm các vua Hùng; công tác bồi thường thu hồi đất; đầu tư xây dựng hạ tầng Khu tái định cư Long Sơn để bố trí tái định cư, ổn định chỗ ở cho dân; hoàn thành các tuyến đường bao quanh Công viên, hệ thống đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường mới xây dựng; tiếp tục trồng cây xanh, cảnh quan; quản lý và bảo vệ đất đai đã thu hồi,… Khởi đầu cho giai đoạn này là Lễ khởi công xây dựng giai đoạn I của Khu Tưởng niệm các vua Hùng nhân Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 21 tháng 04 năm 2002 (nhằm ngày mồng 09 tháng 3 năm Nhâm Ngọ). Đây là công trình lịch sử - văn hóa đầu tiên trong Công viên được Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo khởi công xây dựng, biểu thị tấm lòng của những người con phương Nam thời đại Hồ Chí Minh vọng về Quốc Tổ, tìm về cội nguồn sức mạnh của dân tộc.

Sau thời gian dài đầu tư, thiết kế và xây dựng; vào ngày 04 tháng 4 năm 2009 (mồng 10 tháng 03 năm Kỷ Sửu) Khu Tưởng niệm các vua Hùng (giai đoạn I) được khánh thành vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương trong buổi lễ nghiêm trang, kính trọng và chào đón của nhân dân và đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo thành phố và những người có tâm huyết với công trình.

 

 

II. Mục tiêu xây dựng Công viên Lịch sử - Văn hóa, Dân tộc (giai đoạn từ nay đến năm 2030)

Công cuộc xây dựng và phát triển Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc trong 20 năm qua đã đạt được những thành quả ban đầu hết sức cơ bản, làm nền tảng vững chắc cho các bước tiếp theo. Chính vì vậy, để hoàn thành 03 mục tiêu chiến lược của công viên phục vụ cho đồng bào cả nước, trong thời gian tới cấp ủy và lãnh đạo Ban quản lý Colivan chỉ đạo tập trung thực hiện những mục tiêu từ nay đến năm 2030 cụ thể như sau:

1. Khu cổ đại (Khu I): Tập trung dự kiến hoàn thành 05 nội dung sau:

 + Khai thác tối đa địa hình vùng đồi, điểm cao nhất là Đền Tưởng Niệm các Vua Hùng, trải dọc theo triền đồi là các khu tái hiện các truyền thuyết thời Cổ Đại với các công trình kiến trúc có kiểu dáng và màu sắc phù hợp với địa hình tự nhiên. Đồng thời tận dụng và chỉnh trang tôn tạo cảnh quan các mặt nước tự nhiên trong khu vực quyết tâm xây dựng những công trình sau:

+ Hoàn thành Vườn hữu nghị.

+ Hoàn thành Truyền thuyết Thánh Gióng.

+ Hoàn thành Cổng quảng trường công viên

+ Hoàn thành Hồ Sen đồi Viễn.

+ Hoàn thành hạ tầng nội bộ khu I.

2. Khu Trung đại (khu II) tập trung dự kiến hoàn thành 02 nội dung sau:

+ Hoàn thành công trình xây dựng đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và tái hiện các chiến công và những sự kiện lịch sử thời Trung Đại: Các chiến thắng của dân tộc ta trong thời kỳ chống quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

 

+ Hoàn thành hạ tầng nội bộ Khu II

3. Khu Cận hiện đại (Khu III) tập trung dự kiến hoàn thành 03 nội dung sau:

+ Xây dựng Quảng trường Độc lập và đài Thống nhất.

+ Hoàn thành Khu tái hiện các thời kỳ lịch sử:

- Thời kỳ nhà Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc.                                           

- Thời kỳ đấu tranh dành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Khu tưởng niệm Bác Hồ.

+ Hoàn thành hạ tầng nội bộ Khu III.

4. Khu sinh hoạt văn hóa (Khu IV) tập trung dự kiến hoàn thành 08 nội dung sau:

   + Dự án Bảo tàng Lịch sử tự nhiên.

   + Dự án Khu Làng Hoa - Du lịch suối khoáng.

   + Dự án Khu Giải trí dịch vụ công cộng.

   + Dự án Khu sinh hoạt thể dục thể thao ngoài trời.

   + Dự án công viên mạo hiểm và quảng trường Hòa Bình.

   + Dự án Làng văn hóa dân tộc Việt Nam.

   + Dự án Cù Lao Bà Sang.

   + Dự án hạ tầng nội bộ Khu IV.

Nhằm hoàn thành những mục tiêu và các công trình trên trong thời gian từ nay đến 2030, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý Colivan phải quyết tâm hơn nữa để nỗ lực phấn đấu xây dựng Công viên phát triển bền vững. Đồng thời Ban Quản lý Colivan rất mong được sự quan tâm tiếp tục của Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố và sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành và địa phương, sự quan tâm góp ý của nhân dân, của các nhà khoa học trong và ngoài nước, sự tiếp sức của các nhà đầu tư nhằm góp phần xây dựng và phát triển Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc tại thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, lễ hội và du lịch về nguồn của thành phố và khu vực, xứng tầm là một công trình lịch sử - văn hóa tiêu biểu cho tình cảm và trí tuệ của những người con phương Nam vọng về cội nguồn dân tộc./.


 

CÁC TIN BÀI KHÁC:

các địa chỉ văn hóa