Quy hoạch chi tiết CVLS - VHDT

Lịch sử - Văn hóa

Hiển thị thư viện video

The player will show in this paragraph

Liên kết website

Số lượt truy cập
09359822
tin tức - sự kiện
Du xuân cùng tết 3 miền Bắc - Trung – Nam

Miền Bắc: Đặc trưng tết và những phong tục truyền thống

Hoa đào- nét đặc trưng của tết miền Bắc


Nếu như ở mảnh đất phương Nam xa xôi hoa Mai kiêu hãnh khoe mình trong nắng, gió thì trong tiết trời se lạnh của miền Bắc hoa đào góp phần làm xua tan cái giá rét của mùa đông

Theo truyền thuyết, có một cây hoa đào đã mọc từ rất lâu trên vùng núi cao phía bắc. Trên cây đào bỗng xuất hiện hai vị thần tài giỏi có nhiệm vụ bảo vệ và che chở cho dân làng trong vùng. Do đó, ma quỷ rất sợ hai vị thần này và sợ luôn cả hoa đào. Cứ thấy cành đào là chúng bỏ chạy thật xa.

Hàng năm, gần đến Tết, hai vị thần này lại phải lên trời gặp Ngọc Hoàng nên không có người bảo vệ nên dân trong làng rủ nhau lên rừng chặt đào mang về cắm trong nhà để phòng ma quỷ.

Cây đào chỉ trồng được ở miền Bắc, là loại hoa đặc biệt của Tết Nguyên đán. Nhiều người chuộng chơi hoa đào tết vì hoa đào có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn trong năm.

Tổ tiên ta thuở bình minh dựng nước trên đất Bắc, khi chọn hoa đào để làm thú tiêu khiển trong ba ngày tết, chắc hẳn đã nghĩ tới màu đỏ thắm rực rỡ của đào giống như viễn ảnh của một năm mới sắp tới cũng trong sáng đẹp đẽ như màu hoa. Sau những ngày đông giá lạnh, sắc hồng của đào như sưởi ấm lòng người và vạn vật. Dưới mưa xuân, những cây đào bích, đào phai càng quyến rũ hơn, giống như khuôn mặt yêu kiều của một cô gái được che phủ mờ mờ bởi một tấm khăn voan mỏng manh. Việc miền Bắc chơi đào, trong khi miền Nam chơi mai trong dịp Tết được giải thích là sau khi mở rộng bờ cõi về phương Nam vốn có khí hậu nóng hơn không thích hợp với việc trồng đào, mỗi khi Tết đến, những người đi mở đất nhớ đến cành đào ngoài Bắc nhưng không thể có được đã chọn mai (một cây hoa rất phổ biến ở trong Nam, đẹp, nhiều hoa lại nở đúng mùa Tết) để thay thế. Nếu ngày Tết mà thiếu hoa đào thì thiếu hẳn hương sắc mùa xuân. Mỗi dịp Tết đến xuân về, đào nở rộ như nhắc chúng ta nghĩ về gia đình, về một năm cũ đã qua...

Ngũ quả: Mỗi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả. Với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa, mâm ngũ quả làm cho ngày Tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn…

Theo quan niệm của người phương Đông xưa, thế giới được tạo nên từ 5 bản nguyên – gọi là “ngũ hành”: kim (kim loại), mộc (gỗ), thuỷ (nước), hoả(lửa), thổ (đất). Tư tưởng cùng hình ảnh “ngũ hành” xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện – một trong số đó là tục lệ thờ mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam
Mâm ngũ quả truyền thống của người Việt thường chỉ gồm 5 loại quả, được xếp kiểu hình tháp lên đĩa to hoặc mâm, đặt trên bàn thờ. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng sự giao lưu phong tục làm cho mâm ngũ quả ít nhiều biến đổi: số quả có thể nhiều hơn 5, cách xếp tự do hơn, trang trí hoa lá, cắm nến để tạo ánh sáng, kết những dây đèn điện tử nhiều màu xung quanh… Tất cả các loại quả trong dịp Tết đều có thể đem bày: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, hồng xiêm, táo v.v… Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng: nải chuối, phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu căng tròn, mát lành hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt…
Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu – dừa – đủ – xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là “cầu vừa đủ xài” – mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới. Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn “đầy đủ, sung túc”.

Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hoà với màu xanh mát của dưa hấu, đỏ rực của hồng, nâu mịn của hồng xiêm, vàng tươi của bưởi, cam, dứa… Nó thể hiện sinh động ý nghĩa triết học – tín ngưỡng – thẩm mỹ ngày Tết cùng những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình mang theo khi bước vào năm mới.)

Mâm cỗ

Mâm cỗ tết với nhiều thức ngon được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.

Suy nghĩ của người Việt ta là dành những điều tinh túy, hoàn hảo nhất cho ngày tết. Điều đó thể hiện rất rõ qua mâm cỗ tết - một mâm cơm đặc biệt nhất trong năm khi cả gia đình được đoàn viên, sum vầy.

Cỗ tết truyền thống của người Việt trên khắp mọi miền đất nước đều có những món truyền thống như bánh chưng, gà luộc, giò lụa... Nhưng tùy vào tập quán, tính cách và khí hậu của mỗi vùng miền mà mâm cỗ tết cũng khác đi.

Mâm cỗ tết của người Hà Nội thể hiện sự tinh tế, đặc sắc riêng của văn hóa ẩm thực nơi đây. Cỗ tết Hà Nội không có món bánh răng bừa, món gỏi như ở Huế, cũng không có xôi kèm lợn quay, bánh tét hay bánh măng, bánh dừa mận như ở miền Nam... mà có nhiều thức riêng phù hợp để thưởng thức trong không khí ngày tết rét lạnh miền Bắc.

Thông thường, các bát trên mâm cỗ gồm một bát bóng nấu với chân tẩy và nước dùng gà (chân tẩy gồm có su hào, cà rốt, củ đậu được thái mỏng theo những hình hoa đẹp đẽ). Một bát khoai tây hầm đầu, cổ, cánh gà. Một bát miến nấu lòng gà. Và một bát măng khô ninh chân giò. Các đĩa thì có đĩa gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò xào, giò lụa, đĩa cá kho riềng hoặc bò kho khô, đĩa nộm.

 Cỗ tết Hà Nội hay bất cứ ở đâu trên cả nước đều không thể thiếu các món truyền thống là dưa hành và bánh chưng xanh. Nhưng miền Bắc nổi tiếng cả nước với cái rét lạnh mùa đông. Cỗ tết do đó cũng đặc biệt hơn bởi những món được làm từ không khí rét mướt ấy như giò xào hay thịt nấu đông...

Thức ăn ngày tết bao giờ cũng được gia đình coi trọng. Thịt gà được dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến và được làm sẵn từ chiều 30 (vì người Việt ta kiêng sát sinh vào ngày mồng 1 và năm mới). Thịt lợn là thịt nạc mông hay thịt chân giò ngon, còn thịt mỡ sẽ dùng để chế biến món giò xào cho dễ ăn...

Miền Trung- Đặc trưng Tết và những phong tục truyền thống

 

Những ngày trước Tết: Từ 20 tháng Chạp Âm lịch, người dân làng Chuồn bắt đầu gói bánh tét, phố bánh chưng Nhật Lệ nườm nượp người ra kẻ vào, các làng nghề khẩn trương hoạt động hết công suất, hơi thở Tết gần như tràn ngập đất trời xứ Huế. Đường phố rực rỡ sắc màu của cờ hoa, trướng liễn chúc mừng năm mới; hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa giấy mang hương xuân quyến rũ đến với mọi nhà. Khi trên phố xuất hiện những gánh cát trắng mịn do người dân vùng biển bán dạo cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị lau dọn bàn thờ tổ tiên, thay bình cát trắng để đón ông bà tổ tiên về sum họp gia đình. Một số nhà còn đem đồ đồng sắt đến thợ đánh bóng cho sạch đẹp. Các bà nội trợ đi chợ để mua dần các vật dụng dùng trong ba ngày Tết. Dưa món, dưa kiệu, dưa hành, các loại mứt Tết đựng đầy hũ to hũ nhỏ trong gian nhà bếp.

Sáng sớm 23 tháng Chạp, hầu hết gia đình đều sửa soạn mâm cúng trên bếp để tiễn ông Táo về trời. Nếu như người miền Bắc xem đây là một nghi lễ bắt đầu đón Tết nên tổ chức rất chu đáo, thì người miền Trung cúng ông Táo đơn giản hơn. Mâm cúng ông Táo của người dân Huế thường chỉ có một dĩa xôi, miếng thịt heo luộc, ít hoa quả. Người Huế không cúng cá chép vì “kiêng” con vật này do sự tích cá chép hoá rồng, mà rồng là tượng trưng cho vua chúa nên không được đụng chạm đến. Sau lễ cúng, ba ông Táo được thay mới, các ông Táo cũ được đem đi đặt ở một góc đình, miếu hoặc gốc cây đầu làng - những nơi linh thiêng, không ai dám xâm phạm.

Ngày cuối cùng của năm cũ:  Sáng 30 Tết, những người đàn ông trụ cột trong gia đình thường đi mộ thắp hương ông bà tổ tiên, mời ông bà cùng về ăn Tết với con cháu. Các bà nội trợ thì đi sắm sửa những vật dụng cuối năm, nấu nướng chuẩn bị mâm cúng Tất niên. Những ai nợ nần gì cũng lo trả hết hoặc phải khất nợ cho rõ ràng, nếu không chủ nợ đòi lúc đầu năm thì xem như mắc nợ cả năm. Chiều 30 Tết, nhà nào cũng tiến hành cúng Tất niên để tiễn năm cũ đón năm mới. Lễ này thường có một mâm ở bàn thờ gia tiên, một mâm ở giữa nhà và mâm thị thực đặt ở trước cổng. Lễ cúng có đầy đủ các món mặn, thịt heo, thịt gà, các món canh, xào.... 30 tháng Chạp được xem là ngày đoàn tụ gia đình, con cái dù ở xa đến mấy cũng về thăm ông bà, cha mẹ. Sau khi cúng Tất niên, cả gia đình thường quây quần bên nhau trong không khí ấm ấp, rộn ràng bên nồi bánh chưng, bánh tét.

Đêm Giao thừa: Phần đông người Huế đều tin rằng vào thời khắc giao thừa, những gì xui xẻo của năm cũ sẽ được đẩy đi để đón một năm mới tràn đầy hạnh phúc và hy vọng. Vì thế, các gia đình người miền Trung đều cúng giao thừa vào đúng 12h đêm để cầu mong năm mới mạnh khỏe, con cái ăn nên làm ra, học hành tiến tới…. Mâm cúng đơn giản, chỉ gồm một ít bánh trái, mứt và xôi chè. Đây là những vật phẩm được người miền Trung thưởng thức trong sáng mồng một bởi người ta quan niệm đầu năm nên đón nhận những điều thanh sạch ngọt ngào.

Bước sang năm mới: Sáng mồng một, người miền Trung cũng có tục “xông đất “ như người miền Bắc. Thường thì họ hay nhờ những người lớn tuổi, còn mạnh khỏe, có vai vế và uy tín trong xã hội hoặc nhờ những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, vui vẻ đến “xông đất” đầu năm. Ngày đầu tiên của năm mới, mọi người thường đến thăm và chúc Tết bà con họ hàng. Ngoài ra, họ còn đi thăm mộ, lên chùa khấn vái, cầu nguyện ông bà hoặc các vị thần linh phù hộ cho mọi thành viên trong gia tộc. Đến ngày mồng 2, mồng 3 Tết, người Huế mới đi thăm láng giềng, bà con xa hoặc bạn bè thân cận. Trong ba ngày Tết, người Huế rất kiêng mặc áo quần màu trắng hoặc đen, họ thường chọn những màu sắc sặc sỡ như để cầu mong năm mới giàu sang phú quý. Tết của người Huế chỉ kết thúc khi đã làm xong mâm cúng đưa. Nhiều nhà thường chọn cúng đưa vào ngày mồng 3, mồng 4 nhưng cũng có nhà đến mồng 7 mới tiến hành lễ cúng này.

Một đặc trưng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của người miền Trung là bánh Tét. Bánh Tét là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ông bà tổ tiên hay trên bàn ăn vào ba ngày tết của người dân đất phương Nam. Một đòn bánh tét tròn trịa, đầy đặn phản ánh khát vọng về một cuộc sống no đủ của người dân Nam bộ- cư dân của vùng đất mới. Mặt khác, trứng hột vịt muối- nguyên liệu chế biến thức ăn phổ biến của người Hoa có mặt trong nhân bánh tét hay sự tiếp thu từ cách làm bánh của người Khmer (bánh tét Trà Cuôn) đã phản ánh rõ nét sự giao lưu văn hóa ở vùng đất Nam bộ. Sự khác biệt trong cách làm bánh tét ở một số địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cần Thơ thể hiện được tính thống nhất mà đa dạng của văn hóa ẩm thực. Phải chăng đó chính là những nét nghĩa văn hóa của đòn bánh tét ngày tết ở vùng đất phương Nam ấm áp và yên bình

Miền Nam: Đặc trưng Tết và những phong tục truyền thống


Ở miền Nam trước đây thông thường người ta chuẩn bị tết từ rất sớm. Mỗi gia đình nông dân đều có dành một thửa ruộng trên khu đồng của mình cấy một giống nếp ngon thêm để đồ xôi, làm bánh. Khi những dé lúa nếp bắt đầu lấm tấm những hạt đỏ ở đuôi (chưa chín già) nhà nào cũng chọn cắt ít bó về đâm cốm dẹp. Trong những đêm đầu tháng chạp, khắp xóm thôn đâu đâu cũng rộn ràng tiếng chày giã cốm "cúp cum" nghe rất vui tai. Khi mùa màng thu hoạch xong thì không khí tết ở thôn làng rộn lên trong tiếng chày quết bánh phồng. Loại bánh nay làm bằng gạo nếp nấu chín bỏ vào cối giã như giã giò, quết cho thật nhuyễn, rồi ngắt từng viên cỡ nắm tay dùng ống tre xoa mỡ cán mỏng ra thành hình tròn như chiếc bánh đa nem, dày độ một ly. Gọi là bánh phồng, vì khi để trên lửa nướng nó phồng tướng lên cả chiều dày lẫn vòng tròn. Chiếc bảnh mỏng như chiếc đĩa ấy, khi nướng chín nó nở to bằng cái chậu thau rửa mặt và chiều dày phồng lên hơn một phân tây. Người ta còn phơi những nong bột nếp phơi khô để dành gói bánh ếch.

Ở miền Nam, bắt đầu từ hai mươi tháng chạp ta, khắp nơi mở những phiên chợ Tết cho đến giao thừa đêm ba mươi. Quầy hàng hoa tươi, rau quả, bánh mứt, vải vóc, thịt cá... đều trang hoàng hấp dẫn. Nhưng đông vui nhất phải nói là chợ dưa. Tại các chợ, thuyền chở dưa đổ lên chất thành đống như núi. Nổi tiếng nhất là dưa Trảng Bàng, Trà Vinh... Bổ quả dưa ra, ruột đỏ như son, hạt đen huyền nhỏ rít, thịt óng ánh như hạt đường kính, ăn ngọt tê cả răng. Người ta mua dưa về trước để cúng tổ tiên ngày tết trên bàn thờ nhà nào cũng thấy hai quả dưa hấu to cỡ quả ấm tích. Người ta dán lên lớp vỏ xanh mượt của mỗi quả một miếng giây hồng điều cắt thành hình bông hoa xinh xắn, và đặt nó ngồi chễm chệ giữa mấy nải chuối chín vàng tươi xếp vây tròn quanh một chiếc đĩa bằng sứ màu trắng. Mỗi quả dưa đội trên đầu một trái hồng khô ép dẹp như trùm lên chiếc mũ nồi màu xám. Người ta còn đặt lên trên cùng, một quả quýt đỏ mọng, giống như cái mào gà ngất ngưởng. Cạnh hai trái dưa, bắt buộc phải có hai bánh đường phổi. Đường phổi không phải là đường mà là một thứ quả ngọt chế tạo bằng đường cát và lòng trắng trứng gà. Hình bánh đường ấy giống hệt một lá phổi người và bên trong có nhiều lỗ hổng cũng như phổi người. Đường ấy cứng như đá, để cả năm cũng không chảy nước và chỉ đập ra cho trẻ con ăn chơi sau tết, mặc dầu dùng đường này nấu chè thì rất ngon. Có nhà bầy mâm ngũ quả, mà nhiều khi số trái cây lại vượt quá con số năm. Người ta chú ý đến bốn thứ trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là "cầu vừa đủ xài". Cũng có nhà đĩa trái cây, dưới hết là năm bảy nải chuối, bắt buộc là chuối sứ, không phải nghi lễ nào cả, mà vì chuối sứ chín rất chậm, sau ba ngày tết chuối vẫn còn chưa rục. Trên chuối phải có hai món bắt buộc nữa, không biết lý do, là cam Tàu, loại cam mà Âu châu không gọi là Orange mà gọi là Tangerine và hồng phơi khô, cả hai thứ này đều là hàng nhập cảng từ Trung Quốc gởi sang, vào dịp Tết ta, còn ngày thường thì xưa kia không bao giờ có bán như sau này. Gần đến tết, người ta sắm tranh Tết, hoa Tết, thường có cành mai cắm trên lọ độc bình trên bàn thờ và trang hoàng từ trong nhà đến ngoài ngõ. Trước đây người ta hay cắt giấy vàng bọc thành những ô vuông hay hình quả trám dán trên cổng, cửa, cột nhà, chuồng trâu, chuồng heo, cối xay, cối giã, lu nước, cây ăn trái trong vườn... Người ta cũng đem lư đồng ô trầu chén dĩa, ly tách chậu hoa, bình rượu ra đánh bóng, lau sạch.

Ngày Tết, ngày xuân là ngày hội đoàn tụ, đoàn viên, nếu không thì là những ngày nhớ thương da diết nhất. Trước tiên là nghĩ đến những người đã chết, họ tổ chức đi chạp mộ để tỏ lòng "uống nước nhớ nguồn". Chiều 23 tháng chạp, "đưa ông Táo về trời". Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ "rước ông bà" và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ "đưa ông bà". Người ta cũng dựng nêu, đốt pháo, nhưng lại thích gói bánh tét chứ không gói bánh chưng. Bánh tét có nhiều loại: bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét ngọt. Bánh tét chay không nhân. Người ta chỉ trộn đỗ đen vào nếp rồi gói lại đem nấu. Có thể cho thêm vào cùi dừa nạo nhuyễn để tăng vị béo. Gói bánh tét mặn, người ta trải gạo nếp trên lá chuối, rải lớp đỗ xanh lên, rồi đặt một thỏi mỡ gần bằng ngón chân cái dài suốt đòn bánh như một sợi bấc, xong cuộn tròn lại buộc chặt. Bánh tét ngọt nhân làm bằng đỗ xanh xào đường.

Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Tục xưa quan niệm rằng mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới. Trong số những câu liễn treo ngày Tết có câu: "Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế, Đào phù vạn hộ khánh tân xuân" (một tiếng pháo tiễn đưa năm cũ; muôn nhà, bùa đào tức cây nêu đón chào năm mới).

Giao thừa là thời điểm thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, khi đất - trời giao cảm, muôn vật như tạm thời ngưng đọng trong giây phút để rồi bừng ra một sức sống mới, một sự tái sinh kỳ diệu. Ba ngày tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, trong mục "Phong tục chí" có đoạn: "Phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu mới được nhắc đến. Mồng một người ta thường hay đến cúng vái và thăm hỏi những nhà bên họ nội, mồng hai sang lễ tết bên nhà vợ và mồng ba đến thăm thầy, vì thế có câu "Mồng một tết cha, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy". Khi đến thăm họ hàng, bạn bè, người ta thường chúc nhau mạnh khỏe, sống lâu, may mắn gọi là "làm tuổi", và "lì xì" tức là cho tiền vào phong bao giấy đỏ "mừng tuổi cho trẻ em".

 Ở miền Nam, bốn món cúng và là bốn món ăn ngày Tết, món thứ nhất là thịt hầm. Bắt buộc phải là thịt bắp đùi, hầm cho nhừ với vài vị thuốc Bắc. Món này chỉ để ăn chơi chớ không ăn với cơm. Món thứ nhì là thịt kho tàu, bắt buộc phải là thịt ba rọi (ba chỉ) và bắt buộc phải lớn miếng phải to ít lắm cũng bốn phân trên bốn phân và bắt buộc phải đổ vào nồi thịt kho ấy ít lắm cũng một trái dừa xiêm, để cho món thịt kho ấy lạt đi, hầu ăn được to miếng. Món thứ ba là khổ qua nạp ruột dồn thịt heo bầm nát vào đó rồi cũng hầm y như hầm món thịt nói trên. Món thứ tư thật ra là hai món nhưng chỉ để ăn chơi nên xem như một, đó là nem và bì. Rau chỉ có một thứ độc nhất và cũng bắt buộc, ấy là món dưa giá tức là giá sống ngâm trong nước có ít muối. Ăn bất kỳ món nào trong bốn món kể trên cũng bắt buộc ăn với dưa giá. Những món trên đây chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai thì thôi, sang ngày mồng ba phải cúng và ăn món khác như gà, cá. Muốn cho đỡ ngấy vì thịt mỡ, người ta thường nấu một nồi cháo cá ám, ăn với rau ghém, chuối cây xắt mỏng và các loại rau thơm, rau mùi, một con cá lóc nướng ăn với lá bông súng non hay đọt vừng. Ngày tết thường có nhiều trò vui đặc biệt như đá gà, đá cá lia thia, thi cây kiểng, đu tiên, đua ghe, đánh bài, đánh me và xóc đĩa.

Hoa Mai - đặc trưng tết miền Nam

Trong bộ tranh Tứ Thời thường được các gia đình ưa chuộng treo để trang trí nhà cửa, thì hình ảnh Hoa Mai được xếp đầu tiên rồi mới đến Lan - Cúc –Trúc. Năm cánh hoa mai là hình ảnh của 5 vi thần may mắn, của ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Mai cũng như đào biểu tượng cho sự trường thọ. Người ta diễn tả đặc trưng này bằng những đóa hoa rực rỡ trên một thân cây trụi lá và gân guốc; vững chải như sức công phá của thời gian chẳng làm gì được nó.
Trong truyền thuyết dân gian, hoa mai liên quan đến hình ảnh của một cô gái xinh đẹp, hết lòng thương yêu cha mẹ, gia đình và làng xóm. Với tài trí của mình, cô gái nhỏ nhắn đã hy sinh sau khi giao đấu, diệt trừ yêu quái để cứu dân. Không ai biết cô đã chết, vì hàng năm vào chiều 29 tết, nàng quay lại với chiếc áo vàng mẹ nhuộm cho trước lúc ra đi, cùng ăn tết với gia đình, cho đến lúc cúng đưa ông bà, mới chịu ra đi. Mãi cho đến khi cha mẹ mất, người ta không thấy cô gái áo vàng trở lại nữa; vào những ngày cuối năm trong khu vườn quen thuộc nơi cô ở, xuất hiện một con chim lông vàng óng ả cất tiếng hót líu lo. Xóm làng thương nhớ và tri ân cô bằng cách lập một miếu thờ, hàng ngày hương khói. Từ lúc ấy, trước ngôi miếu mọc lên một loại cây lá xanh um, nhưng cứ vào những ngày giáp tết, lá lại rụng trơ cành và như một phép lạ, toàn thân xuất hiện những nụ bông vàng năm cánh rực rỡ.

Cây mai từ đó được người dân nhân giống và trồng trong nhà mình, như một cách tưởng nhớ đến cô gái, cũng như răn đe loài quỷ dữ sợ oai phong của cô mà không dám quấy động đời sống yên lành của mọi người.

Cũng như hoa đào, truyền thuyết về cô gái áo vàng cũng nhạt dần để thay vào đó hoa mai được đón chào trong ngày xuân như một cảm nhận mang tính nghệ thuật. Cành mai được chọn trên những tiêu chí không khác mấy vơi hoa đào, nhưng tinh thần của một cành mai được ngưỡng mộ không chỉ đẹp ở hoa với sắc thắm, cánh phân bố đều , nhụy thắm, mà còn ở sự gân guốc của cành, với những khoảng gập khúc của dáng cành theo hình chữ nữ. Thần thái ấy mang hình ảnh của một ẩn sĩ nơi thâm sơn, kiêu hãnh nhưng thanh thoát, vững chải trước nắng gió và thời gian.

Mâm ngũ quả: Nếu như ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được; thì người miền Nam lại có sự kiêng cữ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu.”

Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả” và, dù đựng trong đĩa cũng vẫn gọi theo xưa là “mâm." Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo."

Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân Việt. Chính vì vậy, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình.

BBT tổng hợp

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Hiển thị kết quả từ 6 - 6 trong 6 kết quả tìm kiếm.
Số tin trên 1 trang
Trang của 2

Xem tin theo ngày

Ngày

các địa chỉ văn hóa